Cấu tạo của máy tính bao gồm những bộ phận nào?

Cấu tạo của máy tính bao gồm những bộ phận nào? – Trong bài viết này mình sẽ tóm tắt sơ lược về các thành phần chính để cấu tạo nên một chiếc máy tính hoàn chỉnh mà bạn vẫn đang sử dụng hằng ngày.

Máy tính bao gồm những linh kiện nào ?

Nếu mà nói chi tiết về từng linh kiện thì có khi lên đến hàng trăm :D, tuy nhiên chúng ta không quan tâm quá sâu mà chỉ cần biết đến các bộ phận quan trọng có trong máy tính như: CPU (chíp) , RAM, ổ cứng, Mainboard, Nguồn và Card màn hình.

Máy tính

1. CPU (Central Processing Unit)

Vâng ! CPU hay còn gọi là Chíp, là bộ xử lý trung tâm và nó được ví như bộ não của con người. Đây là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong máy tính, máy tính của bạn mạnh hay yếu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nó đấy, chính vì thế mà nó cũng là linh kiện đắt đỏ nhất trong máy tính.

Sở dĩ CPU được ví như bộ não của con người là vì nó sẽ giúp máy tính xử lý tất cả các thông tin từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, nói chung là mọi hành động đều phải thông qua CPU rồi mới hiển thị ra màn hình Desktop.

2. RAM (Random Access Memory)

RAM hay còn gọi là bộ nhớ tạm thời, tức là mọi dữ liệu trên đây sẽ biến mất sau khi bạn Restart lại máy. RAM cũng là một trong những bộ phận rất quan trọng trong máy tính và nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ và hiệu suất làm việc của máy tính.

Nguyên lý hoạt động của Ram thì cũng rất đơn giản thôi, mình nói thế này cho các bạn dễ hiểu nhé: Trong quá trình máy tính làm việc, CPU sẽ không thể tự mình giải quyết đồng thời một đống các công việc cùng một lúc được bởi vì như mình đã nói ở trên, tất cả các thao tác đều được xử lý thông qua CPU nên mọi việc từ chơi game, xem phim, lướt web, xử lý đồ họa… hay đơn giản chỉ là cái click chuột thôi. Bởi vậy, RAM được sinh ra với nhiệm vụ chia sẻ gánh nặng với CPU, có nghĩa là RAM sẽ lưu lại tạm thời những thông tin mà bạn vừa thao tác trên máy tính và nó sẽ lưu lại và đẩy từ từ các thông tin vào cho CPU xử lý, để cho CPU có thời gian “thở” và không bị quá tải. Nói là từ từ thôi nhưng tốc độ xử lý của RAM cũng nhanh đến chóng mặt đấy, dung lượng của RAM càng lớn thì lưu trữ được càng nhiều thông tin và đồng nghĩa với việc bạn sẽ xử lý và làm nhiều việc cùng một lúc hơn. Đó, hiểu đơn giản như vậy thôi ?

3. Ổ cứng (HDD hoặc SSD)

Ổ cứng là bộ nhớ của máy tính chứa toàn bộ dữ liệu của bạn, từ ổ hệ điều hành cho đến các chương trình, phần mềm, file văn bản… nói chung là nó sẽ lưu lại tất cả dữ liệu của bạn cho đến lúc ổ cứng đó bị hỏng và không sử dụng được nữa.

Có 2 loại ổ cứng thông dụng mà chúng ta thường sử dụng cho các máy tính Laptop và máy tính PC hiện nay đó là ổ HDD và ổ cứng SSD. Ổ HDD thì được sử dụng rộng rãi hơn bởi vì giá thành rẻ hơn rất nhiều so với ổ SSD nhưng nhược điểm của nó là tốc độ đọc, ghi và xử lý thông tin chậm hơn nhiều so với ổ SSD, tất nhiên rồi, đồng tiền thường đi liền với chất lượng mà lại ? , nói chung là mình đã có một bài viết mình nói về vấn đề này rồi nên mình không nhắc lại nữa nhé, nếu quan tâm bạn có thể tìm kiếm lại trên thanh Search của Blog.

4. Bộ nguồn (Power Supply hay PSU)

Nếu như bạn sử dụng Laptop thì không nói làm gì, nhưng nếu như bạn sử dụng máy tính PC (máy bàn) thì bộ nguồn là một phần cực kỳ quan trọng nhưng lại bị nhiều bạn chủ quan nhất. Bởi vì sao? bộ nguồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của máy tính và tuổi thọ của máy.

Không giống với các thiết bị khác, máy tính của chúng ta sử dụng dòng điện 1 chiều (DC) để cung cấp điện năng cho các linh kiện, chính vì vậy bộ nguồn sẽ có nhiệm vụ chuyển hóa dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều để sử dụng, một khi dòng điện quá mạnh thì sẽ gây hư hại cho máy tính hoặc nếu như dòng điện quá thấp thì cũng dẫn đến hiện tượng thiếu hụt điện năng cho các linh kiện bên trong và cũng gây nên tình trạng chập chờn, máy tính restart liên tục và có thể không thể hoạt động được. Chính vì vậy khi chọn mua nguồn bạn nên chọn những nguồn có nguồn gốc uy tín nhé, và một điều quan trọng nữa mà bạn CẦN BIẾT và NÊN TRÁNH đó là đừng nên tự sửa chữa nguồn, bởi vì trong bộ nguồn sẽ có một vài bộ phận tích tiện, nó vẫn tồn tại ngay cả khi bạn đã rút phích cắm. Chính vì thế nếu không muốn bị giật thì đừng đụng chạm vào nó nhé.

5. Card đồ họa (Graphics Card)

Card đồ họa, nghe cái tên thôi là bạn đã biết được nhiệm vụ chính của nó là gì rồi đúng không ? Chính xác là như vậy, Card đồ họa có nhiệm vụ chính là xử lý tất cả những gì liên quan đến hình ảnh, video và xuất lên màn hình hiển thị.

6. Mainboard (Bo mạch chủ)

Bo mạch chủ được ví như bộ xương của con người, nó là nơi gắn kết tất cả các linh kiện và các thiết bị ngoại vi lại với nhau thành một khối thống nhất. Tất cả các linh kiện từ RAM, CPU, ổ cứng, card âm thanh, card đồ họa, Pin Cmos…. đều được gắn lên Mainboard để máy tính có thể hoạt động được.

Nói sơ qua một chút về tác dụng chính của Mainboard:

  • Mainboard giúp máy tính điều khiển tốc độ và đường đi của luồn dữ liệu giữa các thiết bị trong máy tính.
  • Nó còn điều khiển điện áp cung cấp cho các linh kiện gắn trên Mainboard.
  • Và đặc biệt, Mainboard là linh kiện quyết định quyết định đến tuổi thọ của một bộ máy tính vì chỉ có “em nó” mới biết  “mình” có thể nâng cấp được lên đến mức nào.

Lời kết

Okey ! trên đây là 6 thành phần quan trọng nhất để hình thành nên một chiếc máy tính hoàn chỉnh, hi vọng sau khi đọc xong bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn về chiếc máy tính mà bạn đang sử dụng.

Trên mạng có rất nhiều tài liệu nói về nội dung bài viết này, tuy nhiên họ sử dụng những từ ngữ chuyên môn quá nên mình đọc có cảm giác hơi khó hiểu một chút, vì vậy mà mình quyết định viết bài này theo cách hiểu của mình và từ ngữ tất nhiên là rất mộc mạc và đơn giản, có thể nhiều bạn sẽ không thích, nhưng không sao vì mình biết là có rất nhiều độc giả của blogchiasekienthuc.com sẽ đón đọc ?

Chúc các bạn thành công!!!

Sưu tầm từ Kiên Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com

Facebook Comments Box
Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Paste your AdWords Remarketing code here